Đừng để "DU HỌC" chỉ là một GIẤC MƠ

“Mình muốn đi du học”, “Mình ngưỡng mộ cuộc sống của các bạn du học sinh quá”, “Ước gì có một ngày mình được đặt chân tới vùng đất mình mơ ước, Anh, Pháp, Mỹ, Úc,... những nơi mình chưa từng đi qua?”


Với tất cả những bạn học sinh cấp 2, cấp 3 hay thậm chí sinh viên đại học, mình tin chắc rằng không ai trong chúng ta chưa từng một lần mơ “ĐƯỢC ĐI DU HỌC”, chúng ta có thể ngồi hàng giờ xem video của một Youtuber về cuộc sống du học, chúng ta có thể trầm trồ thích thú trước post facebook của một người bạn vừa được nhận vào ngôi trường mơ ước, hay thậm chí từ những năm 12-13 tuổi, bạn đã thuộc lòng từng con chữ trong “Con phải tới Harvard học kinh tế”. NHƯNG…. có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi, tại sao mình chưa từng DÁM bắt đầu thực hiện giấc mơ, để đến khi nhìn lại, ước mơ đã vụt mất từ lúc nào.


Chúng mình tin rằng, bạn cũng như chúng mình, hãy cùng bỏ một ngón tay xuống, nếu như những điều dưới đây đã ngăn cản bạn, khiến “DU HỌC” mãi chỉ tồn tại trong tưởng tượng của bạn.

1. Lười bắt đầu - Sợ khó

Hầu hết chúng ta thấy du học khó, đều sẽ sợ “bắt đầu”. Du học là một việc mình chưa từng làm, mình nghĩ rằng nó “rất khó”. Mình thấy mình cần chuẩn bị rất nhiều bước, rất nhiều thứ như bắt đầu tìm một đất nước, một ngôi trường trường, chọn ngành học,  chuẩn bị hồ sơ học thuật, hoạt động ngoại khóa, thi IELTS, thi SAT, viết luận, phỏng vấn…

Giữa vô vàn những thứ cần chuẩn bị, cần làm như vậy, mình không biết phải bắt đầu từ đâu, nhiều lần muốn thử nhưng “khó quá bỏ qua”.

Xem thêm: Coaching Là Gì? Một Người Coach Giúp Bạn Phát Huy Tài Năng Gì?

2. Không biết lựa chọn thời điểm phù hợp

Rất nhiều bạn học sinh, sinh viên “muốn” từ rất sớm, nhưng “không làm”, vì nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian để chuẩn bị. “Mình mới lên lớp 10, tại sao mình phải chuẩn bị cho việc học đại học từ bây giờ?”, hay “Mình mới là sinh viên năm 1, chưa biết ra trường sẽ làm gì, tại sao mình phải nghĩ đến việc du học Thạc Sĩ ngay từ bây giờ?”

Chính những suy nghĩ ấy đang cản trở các bạn trên con đường chinh phục “ước mơ du học”, tính trì hoãn dẫn đến việc bạn không làm chủ và sắp xếp được những việc quan trọng. Những năm tháng cấp 3 trôi qua quá nhanh, đến khi bạn nhận ra thì hầu hết các bạn học sinh đã bị cuốn vào chuỗi ngày ôn thi, luyện thi đại học, các hoạt động ngoại khóa, CLB khác trong trường và không còn thời gian để chuẩn bị cho hồ sơ du học nữa.

3. Sợ thay đổi môi trường

Việc phải rời xa gia đình, xa những người thân yêu sau một khoảng thời gian dài gắn bó quả là một điều không dễ dàng. Nỗi sợ phải một mình trong một môi trường mới, không có bố mẹ cạnh bên, không có bạn bè hay người yêu bên cạnh thật sự khủng khiếp. Đi du học đồng nghĩa khó khăn đến từ những thứ nhỏ nhất như: tìm chuyến xe bus, ga tàu điện ngầm để tới trường, học cách sống trong ký túc xá, hay tự thuê nhà, học cách quản lý thời gian và tài chính cá nhân. Thêm nữa, chắc hẳn ai cũng lo sợ mình đi học có hòa nhập được hay không, lên giảng đường thầy cô, bạn bè nói, mình có hiểu được hay không? Tất cả những điều đó không hề dễ dàng và chỉ nghĩ tới thôi đã khiến cho bất kỳ bạn học sinh/sinh viên nào dễ dàng nản chí.

4. Sợ đối mặt với áp lực tài chính 

Du học đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải sinh sống và học tập tại một môi trường hoàn toàn mới trong một khoảng thời gian (khá) dài, và áp lực tài chính là không tránh khỏi. Học phí, sinh hoạt phí, và hàng tá các loại chi phí khác khiến việc du học trở thành một bài toán khó và cần một lời giải chi tiết. Có chăng một vài bạn sẽ cảm thấy việc du học sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với bố mẹ và quyết định "ngừng mơ".

Vậy đâu sẽ là lời giải cho bài toán chi phí Du học? Bạn có thể nhắm đến những suất học bổng hoặc hỗ trợ tài chính từ trường/chính phủ Quốc gia sở tại. Việc săn học bổng không hề dễ dàng, tuy nhiên điều này là điều bạn hoàn toàn có thể làm được nếu bạn xây dựng cho mình một kế hoạch chỉn chu. Bên cạnh việc xin học bổng, bạn có thể cân nhắc đến những khoản vay cho du học sinh. Có một sự thật là Giáo dục là một khoản đầu tư, mà bản chất của đầu tư là "a sacrifice of current money or other resources for GREATER future benefits" (tạm dịch: sự đánh đổi tiền và những nguồn lực khác ở hiện tại để nhận về những lợi ích lớn hơn trong tương lai). Do đó, hy vọng rằng bạn có thể nhìn nhận chi phí du học dưới lăng kính là một khoản đầu tư sinh lời, và đầu tư cho giáo dục là một khoản đầu tư cực kỳ chính đáng

5. Nghĩ rằng bản thân không có gì đặc biệt

Có bao giờ trong đầu bạn xuất hiện những suy nghĩ rằng mình không sinh ra trong một gia đình khá giả, mình không học trường chuyên, mình là dân tỉnh, mình chưa từng đi nước ngoài,.... nên chắc là mình không thể săn học bổng trường top. Đồng ý rằng nền tảng, hay xuất phát điểm đóng một vai trò quan trọng, nhưng đó không phải yếu tố duy nhất đưa bạn chinh phục đích đến của mình. Bạn Diệu Liên - nữ sinh với xuất phát điểm khiêm tốn đã giành học bổng toàn phần vào Harvard từng chia sẻ: "Việc học tập cũng như tập thể dục, đa số mọi người cứ nghĩ là phải đến Trung tâm thể thao hay phòng tập gym với đầy đủ máy móc hiện đại thì mới tốt. Thật ra chúng ta vẫn có thể tập thể dục bằng cách chạy bộ, nhảy dây hay chạy xe đạp mà... Học cũng như vậy, có điều kiện thì tốt hơn, nhưng nếu mình thật sự muốn làm điều gì đó thì dù trong điều kiện nào cũng có thể thực hiện được".

Có lẽ đã hơn một lần, bạn cảm thấy mình thật bình thường, không sở hữu tài năng đặc biệt, cũng không nổi bật một tố chất nào xuất sắc. Nhìn vào những bài báo viết về những gương mặt xuất sắc giành học bổng thì ai cũng có một câu chuyện thật đặc biệt để viết vào bài luận cá nhân còn mình lại không biết nên viết gì.

Nếu bạn nghĩ bạn không đủ đặc biệt, có chăng bạn đang chưa hiểu đủ về bản thân mình. "Vũ trụ" tạo ra bạn là một phiên bản độc nhất, việc của bạn là thể hiện nét độc đáo ấy ra. Nếu bạn vẫn đang đinh ninh rằng phải đạt được những thành tích lớn lao, phải tổ chức được những dự án tầm cỡ thì mới có câu chuyện đặc biệt về bản thân để kể, thì bài luận viết về cái tên mình đã giúp bạn Nguyễn Đình Tôn Nữ giành học bổng toàn phần vào Harvard, hay bài luận viết về nỗi sợ của một nữ sinh miền quê viết về những giấc mơ, và những trăn trở của tuổi 18 đã giúp em đạt học bổng 90% vào một ĐH Quốc tế có tiếng tại Việt Nam sẽ làm bạn thay đổi góc nhìn.

6. Sợ không thuyết phục được gia đình

Đã bao giờ bạn thử thuyết phục bố mẹ về việc đi du học, và nhận được những câu trả lời như: “Thôi, con học ĐH trong nước cho gần nhà, mai mốt lớn rồi, muốn đi đâu thì đi”, hay “Bố mẹ sợ con không tự lo được cho mình”, cũng có nhiều phụ huynh từng chia sẻ: "Chị không muốn nó đi du học, sợ mất con, sợ sau này nó ko về". Việc đi du học là 1 sự đầu tư lớn và lâu dài của cả gia đình nên chúng mình hiểu nhiều bạn HS, nhất là những bạn ở tỉnh rất khó thuyết phục bố mẹ đồng thuận với việc đi du học, và chắc hẳn các bạn cũng từng mang suy nghĩ “Khó quá, hay mình bỏ qua".


Bạn đã hạ bao nhiêu ngón tay xuống? Nếu bạn đã hạ cả 5 thì cũng đừng lo lắng, bạn không cô đơn. Đứng trước những cột mốc quan trọng, bất kì ai cũng sẽ có những nỗi sợ riêng. Tuy nhiên, những nỗi sợ đó sẽ là nguồn động lực để bạn chinh phục những đích đến. Thông điệp cuối cùng MAX muốn gửi gắm đến bạn đó chính là: Bạn đã ấp ủ một giấc mơ du học cháy bỏng và đừng để những nỗi sợ vô hình cản bước bạn trên hành trình chinh phục giấc mơ.

"When you want something all the universe conspires in helping you to achieve it"
- Paulo Coelho (tạm dịch: Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó)

Xem ngay: Thật tuyệt vời khi có một người cố vấn du học (Admissions Coach)

Chia sẻ

8 Cách tăng 200+ điểm SAT