Nguồn: Bài "Săn học bổng bằng năng lực cốt lõi" được đăng tải trong chuyên mục Giáo dục, báo VnExpress ngày 27/4/2022 (xem chi tiết).
Ứng viên không nhất thiết phải học giỏi, hoạt động ngoại khóa nhiều, mà quan trọng là biết xây dựng thương hiệu cá nhân xoay quanh năng lực cốt lõi.
Thông tin được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm The SACE Journey số 6, chủ đề "Học bổng du học và những câu chuyện chưa kể" trên VnExpress, ngày 26/4.
I. Hành trình 'săn' học bổng
Thực tế, để dành được một suất học bổng du học không dễ, bởi các trường đại học quốc tế thường đặt ra nhiều tiêu chí và yêu cầu riêng. Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Đình Hiếu - CEO của MAX Education cho rằng, so với các thế hệ trước, Gen Z hiện có nhiều cơ hội tiếp cận con đường du học bằng học bổng hơn. Ứng viên học lực xuất sắc có thể kiếm học bổng bằng năng lực học thuật; không thì tập trung hoạt động ngoại khóa, như câu chuyện ứng viên giúp đỡ nhân vật yếu thế trong xã hội như thế nào; hoặc chinh phục học bổng bằng tài năng thể thao, nghệ thuật... Mặt khác, số lượng trường quốc tế trao học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam cũng ngày càng nhiều.
"Để giành học bổng cao, các em không nhất thiết phải học giỏi, hoạt động ngoại khóa tốt, quan trọng là phải xác định được năng lực cốt lõi và biết xây dựng thương hiệu cá nhân quanh năng lực cốt lõi đó", Thạc sĩ Đình Hiếu nhấn mạnh.
Thạc sĩ Lê Đình Hiếu - CEO của MAX Education.
Ngoài ra, thạc sĩ Đình Hiếu cũng chia sẻ, với học sinh cấp ba, muốn săn học bổng cao cần 3 yếu tố: hiểu rõ mình là ai, biết mình muốn gì trong tương lai; có khả năng kể được câu chuyện, thuyết phục họ tin vào câu chuyện của mình.
Anh lấy ví dụ từ bản thân, khi viết bài luận bậc cử nhân đã kể câu chuyện về người mẹ của mình - bước sang tuổi ngoài 30, bà đã trở thành người khiếm thính như thế nào và cách bà đối mặt với cuộc sống ra sao. Lớn hơn một chút khi xin vào chương trình học bổng Doanh nghiệp xã hội hay học bổng tiến sĩ, anh đều tập trung kể về một cô bé học trò mà nhờ cô bé đó anh đã dám nghỉ việc tại công ty tư vấn để đeo đuổi công việc giáo dục.
"Tôi thấy cuộc đời mình may mắn khi gặp được những người tạo cho tôi cảm hứng lớn - những người đóng vai trò là điểm nút thay đổi cuộc đời tôi", Thạc sĩ Đình Hiếu nói.
Thạc sĩ Trần Thanh Vân - nhà sáng lập Saigon Improv House.
Với Thạc sĩ Trần Thanh Vân - nhà sáng lập Saigon Improv House, cô cho rằng, yếu tố giúp cô đạt học bổng có thể là do cách kể câu chuyện về hướng đi khác biệt, thậm chí có phần zig zag. "Tôi thấy may mắn khi ban tuyển chọn đồng ý và thấy được những gì tôi chia sẻ là sự thật cũng như niềm đam mê với ngành tôi theo đuổi", cô nói.
Trong khi đó Thạc sĩ Đỗ Thiện - Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM cho biết việc tìm hiểu kỹ về trường mình nộp hồ sơ cũng rất quan trọng giúp ứng viên có cơ hội giành học bổng cao.
Thời điểm nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng thạc sĩ do Viện Konrad Adenauer, Đức cấp, Thiện đã tìm đọc kỹ mọi thông tin về viện, như sứ mệnh, tầm nhìn, quy mô học bổng, đối thủ cạnh tranh, sau đó lên kế hoạch nghiêm túc về việc nếu trúng tuyển sẽ như thế nào, học ngoại ngữ ra sao... "Nhờ vậy, tôi có kiến thức nền và tự tin hơn trong vòng phỏng vấn", anh nói.
II. Về nước hay ở lại?
Chia sẻ quan điểm sau khi du học chọn về nước hay ở lại, Thạc sĩ Đỗ Thiện cho biết từ lâu anh đã không đặt nặng vấn đề ở đâu, chọn về hay ở, bởi tin rằng xã hội bây giờ toàn cầu hóa, việc đi hay ở không còn quá quan trọng. Làm ở Việt Nam thì thi thoảng cũng cần qua nước ngoài bồi dưỡng thêm, và ngược lại làm ở nước ngoài thì nhiều khi cũng cần về Việt Nam thăm quê hương, mở rộng thêm cơ hội cho sự nghiệp của mình. Nơi nào cần mình nhiều và mình cũng cần nơi ấy nhiều thì mình ở đó.
Thạc sĩ Đỗ Thiện - Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM.
"Mọi chuyện đều có tính hai mặt. Các bạn hãy ở đâu mà mình thấy thích nhất, thấy được cống hiến nhiều và sống là chính mình. Mặt khác, cuộc sống cũng chia làm nhiều giai đoạn, có người tuổi trẻ thích ở nước ngoài, khi về già lại thích quay về quê hương. Ngược lại, có người ở Việt Nam, khi lớn tuổi lại thích qua nước ngoài để sống, du lịch trải nghiệm", anh nói.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Đình Hiếu cho biết thêm, trong thế giới phẳng hiện nay, câu hỏi đi hay ở không còn quá quan trọng mà vấn đề cần quan tâm là cộng đồng bạn muốn phục vụ, đâu là nơi bạn thấy hạnh phúc nhất mỗi sáng thức dậy. "Với tôi, cả hai câu hỏi đều cho tôi điểm đến là Việt Nam, vì vậy tôi chọn về nước", ông nói.
Một nội dung khác cũng được đề cập tại phần hai của tọa đàm là câu chuyện nhiều ứng viên từ chối nhận học bổng. Là người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn và tuyển sinh, Thạc sĩ Lê Đình Hiếu đưa ra một số lý do thường thấy, như một số trường đại học ở Singapore cấp học bổng nhưng phải có ràng buộc ở lại làm việc hai, ba năm sau khi tốt nghiệp. Điều này khiến một số gia đình từ chối nhận học bổng để con có cơ hội rộng hơn khi tốt nghiệp.
Một số trường đại học khác ở Mỹ cũng có mức hỗ trợ tài chính hấp dẫn, nhưng điều kiện đi kèm khó khăn không kém, như các em phải tham gia hoạt động của trường, duy trì điểm số... khiến phụ huynh thấy con phải chịu sức ép lớn, nên từ chối nhận học bổng để chọn con đường nhẹ nhàng hơn.
Một số trường hợp khác cũng từ chối nhận học bổng với mục đích trao thêm cơ hội cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn thêm cơ hội dành học bổng.
"Học bổng có muôn hình vạn trạng, có học sinh được trao học bổng lớn, có học sinh sau khi cân nhắc thì từ chối học bổng, thậm chí cũng có gia đình chọn cách đóng góp, trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường", Tiến sĩ Hiếu chia sẻ.
Là người điều phối xuyên suốt chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên ĐH RMIT cho rằng, học bổng luôn đi kèm với trách nhiệm. Nhận thức được trách nhiệm đó thể hiện giá trị sống vì cộng đồng, thái độ trân trọng với những cơ sở, những nhà hảo tâm vì họ đã tài trợ tài chính để cá nhân mình đạt được một tầm cao mới về học thức.