Lưu ý khi viết hồ sơ 'săn' học bổng

Nguồn: Bài "Lưu ý khi viết hồ sơ 'săn' học bổng" được đăng tải trong chuyên mục Giáo dục, báo VnExpress ngày 29/04/2022 (xem chi tiết).

Theo nhà báo Đỗ Thiện, thay vì kể lể gia cảnh khó khăn, ứng viên hãy tập trung mô tả giá trị của bản thân cùng những cam kết về trách nhiệm cho xã hội.

Nhà báo Đỗ Thiện - Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM từng đạt học bổng chương trình thạc sĩ Báo chí - truyền thông tại Đức là một trong những diễn giả của tọa đàm The SACE Journey - Mở khóa Gen Z số 6, chủ đề "Học bổng du học và những chuyện chưa kể", phát sóng trên VnExpress, ngày 26/4.

Thạc sĩ Đỗ Thiện.

Hiện nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Australia, gần hơn có Nhật Bản hay Singapore, Trung Quốc... đều có các chương trình học bổng dành cho sinh viên đến từ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, theo anh Đỗ Thiện, điều đó không có nghĩa họ sẽ chọn các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc loại bỏ ứng viên có hoàn cảnh khá giả, thậm chí sống trong gia đình điều kiện tốt. Các tiêu chí để họ lựa chọn ứng viên cũng hiếm hoặc rất hiếm thấy đề cập đến hoàn cảnh gia đình, hoặc nếu có thì đó cũng chỉ là phần phụ để họ cân nhắc việc hỗ trợ thêm tài chính nếu ứng viên ấy đoạt được học bổng.

Vì vậy, theo nhà báo Đỗ Thiện, trong quá trình viết bài luận hoặc trình bày, giới thiệu bản thân, các ứng viên đừng tập trung vào việc kể lể về gia cảnh để tìm kiếm sự thương hại từ hội đồng tuyển chọn. Những câu chuyện cá nhân nếu làm nền tảng để bật lên cá tính, năng lực, nghị lực, quyết tâm của ứng viên trong việc tìm kiếm một môi trường học tập mới thì sẽ rất thú vị và hữu ích. Tuy nhiên, nếu sa đà vào việc kể lể hoàn cảnh thì cũng không thể ghi điểm. Điểm mấu chốt là bạn phải chỉ ra được hành trình, chiến lược của bản thân để biến khó khăn đó thành cơ hội và bạn vượt qua như thế nào.

"Tôi nghĩ nhà tuyển sinh sẽ nhìn vào năng lực của bạn trước tiên, sau đó sẽ xem xét nghị lực, quyết tâm, quá trình bạn vượt qua khó khăn và những cam kết, dự tính của bạn thông qua cách bạn kể lại câu chuyện thực của mình (storytelling)", anh nói.

Lấy ví dụ từ bản thân, anh Đỗ thiện nhớ lại, ban giám khảo hỏi anh dự tính như thế nào sau khi hoàn tất khóa học thạc sĩ tại Đức. Với lợi thế đang làm trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, am hiểu về môi trường làm việc và biết rõ về những hạn chế của bản thân, của anh em đồng nghiệp, anh Thiện bày tỏ nguyện vọng muốn học hỏi về tư duy làm báo, công nghệ làm báo, và hiểu rõ hơn về xu thế làm báo tại các nước phát triển. Về Việt Nam, anh hy vọng có thể phần nào khắc phục những hạn chế đã gặp, thúc đẩy cách làm báo hấp dẫn hơn từ những trải nghiệm mà anh sẽ học từ nước bạn. Anh cũng bày tỏ mong muốn trở về nước sẽ được giảng dạy báo chí - truyền thông, cũng là một cách lan tỏa giá trị mình học được từ nước ngoài.

Với trách nhiệm đóng góp cho xã hội, anh cũng chia sẻ anh và vài người bạn thân cùng nhau lập ra một quỹ học bổng nhỏ, mỗi năm giúp vài chục em cấp ba ở quê hương hiểu, tiếp cận được các thông tin mới hơn về giáo dục, hướng nghiệp; đồng thời giúp các em, rèn luyện tập kỹ năng sống để có thể tiếp cận cơ hội tốt hơn về giáo dục, chuẩn bị hành trang trước khi lên thành phố và có thể ra nước ngoài học tập.

"Tôi chia sẻ những câu chuyện thực tế, cách mà tôi vượt qua thử thách trong cuộc sống, theo đuổi đam mê, quyết tâm theo con đường làm báo, khác với việc kể lể hoàn cảnh cuộc sống khó khăn... Bởi thực tế, những câu chuyện gia cảnh khó khăn đó ở nước ngoài đã được giải quyết bằng hỗ trợ tài chính và nhà tuyển sinh thường không có nhu cầu cấp học bổng thêm cho những trường hợp này nếu họ thấy rằng mình không có năng lực, không có hoài bão, và không có tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng", nhà báo Đỗ Thiện nhận định.

Một nghiên cứu từng thực hiện tại Đức với hơn 1.000 trường đại học trên thế giới cũng chỉ ra, các trường giành trung bình 35% học phí thu được từ học sinh làm quỹ học bổng. "Con số này khá lớn đồng nghĩa cơ hội nhiều, chỉ cần các em hiểu rõ bản thân, biết mình muốn gì và có năng lực kể chuyện thuyết phục ban tuyển sinh, các em sẽ có cơ hội giành học bổng cao", Thạc sĩ Lê Đình Hiếu - CEO của MAX Education, diễn giả tại tọa đàm chia sẻ thêm.

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng giải đáp băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc nên cho con học cấp ba trường công lập, trường tư hay trường quốc tế để có nhiều cơ hội giành học bổng.


Thạc sĩ Lê Đình Hiếu.

Theo Thạc sĩ Lê Đình Hiếu, anh từng có cơ hội ngồi chung với ban tuyển sinh của trường đại học Stanford, Mỹ và thấy trong danh sách ưu tiên có cả trường công lập, trường tư và trường quốc tế.

"Hầu hết trường đại học lớn trên thế giới đều có danh sách ưu tiên. Sau hàng chục năm tuyển sinh với nhiều thế hệ học sinh, họ có đủ mẫu dữ liệu tốt để biết học sinh đến từ những trường cấp 3 nào thì có nhiều cơ hội học tập thành công ở trường của họ và lập danh sách ưu tiên các trường đó", Thạc sĩ Hiếu chia sẻ.

Cũng theo CEO của MAX Education, việc con vào trường nào cũng đều có điểm cộng, điểm trừ, không phải cứ vào công lập hay chuyên sẽ tốt hơn.

Mặt khác chương trình giáo dục của Việt Nam chưa phải là chương trình chuẩn hóa toàn cầu. Trong khi chương trình học của các trường quốc tế tại Việt Nam đã được công nhận bởi nhiều tổ chức uy tín trên thế giới nên đây cũng là một lợi thế. Anh lấy ví dụ, hội đồng tuyển sinh thế giới sẽ hiểu học sinh được điểm A chương trình quốc tế có năng lực thế nào, nhưng không hiểu học sinh chương trình giáo dục Việt Nam được 8,0 thì ở mức độ nào, bởi chưa có thước đo chuẩn hóa theo toàn cầu.

Một điểm nữa phụ huynh cần lưu ý là mỗi đứa trẻ có tiềm năng khác nhau, phụ huynh thay vì nghĩ chọn trường nào để con có học bổng tốt hơn, thì hãy chọn môi trường giúp con phát huy năng lực cốt lõi. "Chỉ cần con phát triển tối đa tiềm năng của bản thân thì sẽ có trường trao học bổng để con du học", Thạc sĩ Đình Hiếu khẳng định.

Nguồn: VnExpress

Du học xong có nên về nước?