Nguồn: Bài "Đừng để IELTS trở thành vedette khi tuyển sinh đại học" được đăng tải trên báo Znews.vn ngày 12/1/2024 (xem chi tiết).
Các chuyên gia nhận định việc dùng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học là bước đi phù hợp, tuy nhiên, các trường cần cân nhắc một số yếu tố.
Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, bắt đầu được các trường đại học ở Việt Nam đưa vào làm một trong những tiêu chí xét tuyển từ năm 2017, tiên phong là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đến nay, sau gần 7 năm, từ chỗ chỉ các trường kinh tế top đầu, trường đào tạo ngôn ngữ, nhiều trường thuộc khối y dược, sư phạm, kỹ thuật, quân đội, công an cũng đưa chứng chỉ IELTS vào xét tuyển.
Trường nào, ngành nào cũng dùng IELTS khi tuyển sinh
Không riêng khối kinh tế, nhiều khối ngành khác cũng dùng IELTS để tuyển sinh đại học. Ví dụ với khối y dược, một số trường đưa IELTS vào xét tuyển đại học năm ngoái như Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Y Dược (Đại học Huế)...
Còn với khối ngành kỹ thuật, trong năm 2024, Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp đối với những thí sinh có chứng chỉ IELTS. Năm 2023 có Đại học Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…
Mùa tuyển sinh 2023, các trường khối quân sự xét tuyển kết hợp học bạ với chứng chỉ IELTS. Tương tự, các trường khối công an cũng áp dụng phương thức tuyển thẳng kết hợp chứng chỉ IELTS với học bạ THPT.
Khi đặt ra tiêu chí tuyển sinh bằng IELTS, các trường đại học thường có 3 hướng xét tuyển: Ưu tiên xét tuyển; quy đổi chứng chỉ theo thang điểm riêng kết hợp với điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT để tính điểm xét tuyển.
Thế nhưng, điều đáng chú ý là một số trường đang quá đặt nặng IELTS khi xét tuyển (chỉ dùng IELTS để xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp điểm học bạ nhưng điểm học bạ chỉ lấy rất thấp) hoặc đưa ra mức quy đổi IELTS quá cao.
Ví dụ, năm 2023, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội xét tuyển thẳng thí sinh cần có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên. Những em này nếu trúng tuyển sẽ được nhà trường trao học bổng trị giá 15 triệu đồng.
Cũng trong năm 2023, Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Huế) cũng xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS kết hợp với điểm trung bình từng môn của 5 học kỳ (ngoại trừ học kỳ 2 lớp 12). Điểm IELTS trường yêu cầu từ 5.5 trở lên nhưng điểm học bạ lại khá thấp, chỉ cần trung bình 6 điểm trở lên là đủ điều kiện.
Đại học Yersin Đà Lạt cũng xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS. Theo đó, trường sẽ xét tuyển thẳng các thí sinh có học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên và có chứng chỉ IELTS trên 5.5.
Còn về quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong năm 2023, mức quy đổi của một số trường thậm chí vượt qua thang 10. Cụ thể như sau:
Không có vấn đề khi dùng IELTS để xét tuyển mọi ngành
Trao đổi với Tri thức - Znews, anh Đinh Quang Tùng, Giám đốc học thuật tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM, cho biết từ năm 2020 đến nay, số lượng học viên học IELTS có xu hướng tăng nhanh. Lý do chủ yếu đến từ chính sách sử dụng IELTS trong tuyển sinh đại học.
Theo anh Tùng, thời điểm năm 2019 trở về trước, nhu cầu người học IELTS chủ yếu là để đi du học hoặc định cư. Nhưng hiện nay, mục tiêu của học viên dịch chuyển dần sang mục đích dùng IELTS để xét tuyển đại học trong nước, tốt nghiệp đại học hoặc đi làm. Với mục đích xét tuyển đại học, đa số học viên đặt mục tiêu band điểm 5.5-6.5.
Anh Tùng cho rằng dù là bài thi tiếng Anh, IELTS đánh giá khả năng truyền đạt, tiếp nhận thông tin cũng như tư duy logic - điều mà hầu hết ngành đều cần.
Bên cạnh đó, các nước phát triển cũng sử dụng IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác làm tiêu chí tuyển chọn sinh viên quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập như hiện tại, anh Tùng cho rằng việc các trường đại học Việt Nam sử dụng IELTS là tiêu chí tuyển sinh là phù hợp.
Tương tự, cô Phương Anh, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, nhận thấy học sinh ngày nay, nhất là học sinh ở các thành phố lớn, đang đi theo trào lưu học và thi chứng chỉ IELTS. Nhờ học chứng chỉ này, khả năng ứng dụng ngoại ngữ của học sinh, nhất là kỹ năng nghe và nói, cũng được cải thiện nhiều hơn so với việc chỉ học tiếng Anh theo chương trình chính khóa.
Cô Phương Anh lấy ví dụ học sinh của cô ở độ tuổi 15 trở lên, nhiều bạn học IELTS từ khi lên THPT để nâng cao trình độ tiếng Anh, đi du học hoặc xét tuyển đại học, cao đẳng. Do tiếp xúc tiếng Anh sớm, trình độ của các bạn ở mức 5.5-6.5, thậm chí rất nhiều bạn đạt được 7.0-7.5 IELTS.
Cá nhân cô cho rằng việc học sinh chọn IELTS không có gì xấu vì chứng chỉ này có thể sử dụng cho việc xét tuyển đại học, xét tốt nghiệp đại học và xét tuyển ở các trường đại học nước ngoài, có thể nói là một công đôi việc.
Bàn về việc các trường dùng IELTS là tiêu chí để xét tuyển cho nhiều ngành học, anh Tùng nhận định hiện nay, nhiều trường không dựa vào mỗi IELTS để tuyển sinh mà dùng ngoại ngữ này là một trong nhiều tiêu chí.
“Nghĩa là ngoài tiếng Anh, các trường đại học có thể dựa trên điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm các kỳ thi riêng. Các em vẫn phải giỏi Toán, Lý, Văn… thì mới được tuyển chọn. Tôi thấy như vậy là phù hợp. Ngược lại, nếu các trường tuyển thẳng thí sinh chỉ dựa vào chứng chỉ tiếng Anh, điều đó mới đáng lo ngại”, anh Tùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nghiên cứu sinh, tiến sĩ Lê Đình Hiếu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ Tổ chức Giáo dục MAX Education, khẳng định việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có IELTS, để xét tuyển đại học là bước đi phù hợp, giúp đại học Việt Nam tiếp cận với khu vực và thế giới. Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút sinh viên nước ngoài đến học. Có thể nói, đây là điểm sáng trong giáo dục.
Bên cạnh đó, anh Hiếu nhận định các trường đại học hiện nay có quyền tự chủ, tự quyết định việc lựa chọn sinh viên. Chính vì vậy, xã hội cần tôn trọng quyết định của các trường đại học khi họ đưa ra phương thức tuyển sinh để lựa chọn người học phù hợp - kể cả việc dùng IELTS làm tiêu chí xét tuyển ở mọi ngành.
Theo anh Hiếu, khi các trường dùng IELTS làm tiêu chí tuyển sinh, điều đó phản ánh rõ cách tiếp cận và triết lý đào tạo của họ.
“Các trường này sẽ có xu hướng đào tạo tiệm cận quốc tế, vì vậy, việc đưa tiếng Anh vào tiêu chí xét tuyển là đương nhiên. Chúng ta cần tôn trọng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường", anh Hiếu nhấn mạnh.
Giáo viên cho rằng IELTS tốt với học sinh và việc tuyển sinh nhưng cần áp dụng phù hợp.
Cũng nói về việc học sinh dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học, cô Phương Anh tin rằng đây là điều hoàn toàn phù hợp, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục 2018 áp dụng rộng rãi và kể từ 2025 học sinh sẽ thi theo phương án mới, Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc.
Khi Tiếng Anh bị loại khỏi môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Phương Anh lo nhiều học sinh sẽ bỏ hẳn môn này để tập trung ôn tập những môn thế mạnh của bạn thân. Nếu điều này xảy ra, nhiều học sinh sẽ rơi vào nguy cơ “mất gốc” tiếng Anh, hoặc không thể sử dụng tiếng Anh thành thạo.
Từ những lý do trên, cô giáo ủng hộ các trường dùng chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển đại học vì đó cũng là một cách để thúc đẩy học sinh chăm chỉ học ngoại ngữ. Xét cho cùng, việc học những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS vẫn mang lại lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho người học.
“Tôi thấy việc đưa IELTS vào xét tuyển đại học cũng là cơ hội giúp học sinh nâng cao trình độ tiếng Anh và được cọ xát với kỳ thi chuẩn quốc tế. Đó cũng là cái lợi cho các bạn để làm quen với những kỳ thi tương tự sau này”, cô Phương Anh nêu quan điểm.
Nhưng cần điều chỉnh
Tuy nhiên, dù là quyền tự chủ tuyển sinh, TS Lê Đình Hiếu cho rằng sau nhiều năm áp dụng, Bộ GD&ĐT cũng như các trường cần đánh giá lại phương thức xét tuyển này. Đồng thời, các trường cần đánh giá chất lượng đầu ra khi tuyển sinh bằng phương thức này, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, TS Hiếu cho rằng để tuyển sinh bằng IELTS hiệu quả, các trường cần cân đối tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu tuyển sinh ở hình thức xét tuyển này, tránh mất quyền lợi của thí sinh sử dụng hình thức khác.
“Nếu trường dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, lúc này, bất bình đẳng sẽ xảy ra. Chính vì vậy, tôi hy vọng khi phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức, các trường nên cân nhắc, lưu ý đến việc có sự bất bình đẳng trong việc học tiếng Anh. Nhất là các bài thi chuẩn quốc tế như IELTS, học sinh thành phố chắc chắn có lợi thế hơn", anh Hiếu kỳ vọng.
Khi bàn luận về việc áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi xét tuyển đại học, cô Phương Anh đánh giá tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là phương tiện giúp học sinh mở mang kiến thức và hội nhập với thế giới.
Theo cô, ngoại ngữ rất quan trọng nhưng chúng ta không thể coi nhẹ những môn học khác như Toán, Ngữ văn hoặc các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội. Cô giáo lấy ví dụ môn Toán giúp đánh giá học sinh về kỹ năng tư duy logic còn môn Ngữ văn đánh giá về kỹ năng tư duy ngôn ngữ, hai kỹ năng này cũng rất quan trọng cho việc học đại học.
Do đó, khi xét tuyển đại học kết hợp giữa điểm thi/điểm học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ (ví dụ như IELTS), cô Phương Anh vẫn khuyến nghị các trường nên ưu tiên điểm thi/điểm học bạ nhiều hơn vì những đầu điểm phản ánh được khả năng học sinh tiếp thu kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nên sẽ đánh giá học sinh toàn diện hơn.
Nếu dùng IELTS xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT, cô Phương Anh đề xuất các trường top đầu nên đặt mức điểm nhận hồ sơ từ 8 trở lên đối với điểm thi tốt nghiệp THPT, còn IELTS có thể ở mức 6.0-7.0, tùy vào từng ngành xét tuyển.
Ngành liên quan tiếng Anh hoặc đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh có thể lấy đầu vào IELTS nhỉnh hơn các ngành khác một chút.
Còn nếu xét tuyển kết hợp điểm IELTS với điểm học bạ, cô giáo đưa ra mức đề xuất cao hơn là từ 9 điểm học bạ trở lên cho các trường tốp đầu và từ 7,5 học bạ trở lên đối với trường tầm trung. Các trường tầm trung cũng chỉ nên dùng IELTS ở mức 5.5 để học sinh đỡ áp lực và có cơ hội vào đại học.