Nguồn: Bài "Du học xong có nên về nước" được đăng tải trong chuyên mục Giáo dục, báo VnExpress ngày 4/5/2022 (xem chi tiết).
Theo Thạc sĩ Lê Đình Hiếu, trong thế giới phẳng, câu hỏi về nước hay ở lại không còn quá quan trọng, du học sinh cần xác định đâu là cộng đồng muốn phục vụ và gắn bó.
Thạc sĩ Lê Đình Hiếu - CEO của MAX Education là một trong những diễn giả của tọa đàm The SACE Journey - Mở khóa Gen Z số 6, chủ đề "Học bổng du học và những câu chuyện chưa kể", phát sóng trên VnExpress, ngày 26/4.
Tại tọa đàm, anh cho biết, tính tổng thời gian anh từng sống, học tập và nghiên cứu tại nước ngoài là 8 năm. Trong quãng thời gian đó, mỗi lần về nước là một lần anh nhận thắc mắc của không ít người: "Tại sao lại về?".
Vị thạc sĩ cho rằng, việc về hay ở trong thời đại ngày nay không còn quá quan trọng, quan trọng đâu là cộng đồng mình muốn phục vụ. Đặc biệt, với ngành giáo dục còn liên quan đến cả cộng đồng xung quanh. "Nếu ở Mỹ, tôi vẫn có thể làm công việc chuyên môn của mình để phục vụ những cộng đồng yếu thế. Nhưng tôi vẫn muốn về lại quê hương, phụ vụ các em nhỏ ở Việt Nam", anh nói.
Một câu hỏi nữa cần trả lời được khi quyết định về hay ở là "Nơi đâu bạn thấy hạnh phúc nhất, mỗi sáng hào hứng đi làm chứ không phải là lết đi làm?". "Cả hai câu hỏi trên đều cho tôi đáp án là Việt Nam, và tôi chọn về nước", anh nói thêm.
Thạc sĩ Lê Đình Hiếu (ở giữa hàng trên cùng, đeo kính) chụp ảnh cùng các học viên tại MAX Education.
Chuyên gia giáo dục cũng chia sẻ về nhiều trường hợp xung quanh, có những người sống tại Việt Nam nhưng lại đang làm việc tại các công ty toàn cầu, họ làm việc từ xa. Một số khác là tri thức đang ở nước ngoài, giảng dạy các trường đại học danh tiếng, nhưng đồng thời cũng giữ chức vụ quan trọng tại một số công ty ở Việt Nam.
Đơn cử, có bạn sinh viên trường Ngoại thương sinh năm 1992 làm cho Unilever hai, ba năm, sau đó nộp đơn qua Singapore làm cho Google. Hai năm sau bạn này lại qua Mỹ học MBA và giờ về Việt Nam làm cho một công ty khởi nghiệp về công nghệ. Kế hoạch của bạn là khi công ty đủ lớn sẽ mở rộng qua Thái Lan, Indonesia.
"Một bạn sinh năm 1992, chưa có 10 năm kinh nghiệm nhưng đã trải qua 3, 4 quốc gia khác nhau và con đường sự nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng cho chúng ta thấy đừng quá câu nệ vị trí địa lý, mà hãy chú trọng sản phẩm của bạn đang phục vụ ai và có nhiều lựa chọn để bạn thực hiện điều đó", CEO của MAX Education nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Lê Đình Hiếu, Thạc sĩ Đỗ Thiện - Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM cho biết từ lâu anh đã không đặt nặng vấn đề ở đâu, chọn về hay ở, bởi tin rằng xã hội bây giờ toàn cầu hóa, việc đi hay ở không còn quá quan trọng. Làm ở Việt Nam thì thi thoảng cũng cần qua nước ngoài bồi dưỡng thêm, và ngược lại làm ở nước ngoài thì nhiều khi cũng cần về Việt Nam thăm quê hương, mở rộng cơ hội cho sự nghiệp. Nơi nào cần mình nhiều và mình cũng cần nơi ấy nhiều thì mình ở đó.
Nhà báo cũng gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ, mọi chọn lựa đều có chi phí cơ hội. Ví dụ, có bạn làm việc ở nước ngoài thì xa gia đình, xa ba mẹ hay người thân, phải vất vả để bắt đầu hòa nhập cộng đồng mới, học tập văn hóa, cách cư xử sao cho phù hợp. Đó là "chi phí". Đổi lại, bạn được dấn thân vào việc mình yêu thích, đam mê; theo đuổi giấc mơ mà không có điều kiện làm được nếu ở Việt Nam. Hay như nhiều du học sinh quay về quê hương, từ chối những lời đề nghị mà với nhiều người khác là hấp dẫn, như lương cao, phúc lợi tốt, môi trường làm việc cạnh tranh... Đó là chi phí cho việc trở về. Đổi lại, họ được gắn bó với gia đình, quê hương; làm được nhiều điều mà đối với xã hội là quý giá, có ý nghĩa; họ được giúp đỡ bà con, đồng bào của mình; được dấn thân vào những đam mê gắn liền với kinh tế-xã hội, giáo dục, môi trường... ở Việt Nam.
Liên hệ bản thân mình, anh Thiện bày tỏ bản thân tốt nghiệp thạc sĩ báo chí - truyền thông, nhưng tự thấy mình không đủ năng lực, điều kiện để có thể phát huy được giá trị bản thân, không thể cạnh tranh nghề báo ở Đức, nên nếu ở lại cũng chỉ "sống mòn". Anh thấy về Việt Nam được làm việc mình thích, được cống hiến cho nơi mình làm việc; được làm chút ít dự án xã hội cho học trò nghèo học giỏi ở quê; được gần gia đình. Nên anh về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp. Trong khi anh cũng biết những người bạn, họ thành công, cống hiến và cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống và làm việc ở Mỹ hay châu Âu, nên họ ở lại. "Chúng tôi có điểm chung là ai cũng thương yêu Việt Nam, và ở khía cạnh nào đó thì đều có thể đóng góp chút ít gì đó cho Việt Nam qua nhiều cách khác nhau", nhà báo chia sẻ.
Cũng theo Thạc sĩ Đỗ Thiện, không có công thức chung cho câu hỏi ở lại nước ngoài hay về quê hương. Nơi nào đón nhận bạn (vì bạn có tâm, có tài năng), nơi nào bạn sống cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì được làm việc mình thích, được sống là chính mình thì mình ở. Thời buổi toàn cầu hóa, các bạn trẻ đều biết ngoại ngữ, đều kiếm tiền được, thì việc nay ở nước này, mai ở nước khác cũng là chuyện thường thấy. Không nên nặng nề câu chuyện ở hay về. "Mặt khác, cuộc sống cũng chia làm nhiều giai đoạn, có người tuổi trẻ thích ở nước ngoài, khi về già lại thích quay về quê hương. Ngược lại, có người ở Việt Nam, khi lớn tuổi lại thích qua nước ngoài để sống, du lịch trải nghiệm", anh nói thêm.
Cũng là diễn giả tại tọa đàm, Thạc sĩ Trần Thanh Vân - Nhà Sáng lập Saigon Improv House cho biết thêm, việc du học xong chọn về hay ở nhiều khi còn phụ thuộc vào tổ chức trao học bổng của ứng viên. Đơn cử, học bổng của chị dành cho người Việt Nam đi học ở Mỹ, yêu cầu của Chính phủ Mỹ là có một vài trường hợp được ở lại, nhưng đa phần là về quê chia sẻ cho mọi người bản địa về những kiến thức mình tiếp thu được.
"Học bổng của tôi là đại sứ văn hóa, như đem những câu chuyện văn hóa, ẩm thực của Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế. Ngược lại, khi về nước sẽ chia sẻ những thứ học được cho các bạn trẻ Việt Nam", chị lấy ví dụ.
Để trả lời câu hỏi về hay ở, nữ thạc sĩ cho biết chị chọn về Việt Nam vì cảm thấy bản thân khi ra nước ngoài như cục bọt biển, đi đến đâu sẽ thấm được vào người những điều thú vị để khi về quê hương sẽ nở ra - chia sẻ hết những điều mới mẻ.
Nguồn: VnExpress