Nguồn: Bài "Dạy học tích hợp không sai: Vậy cần sửa cái gì?" được đăng tải trong chuyên mục Giáo Dục, Báo Điện tử Đại biểu nhân dân (xem chi tiết).
CHUYÊN GIA GIÁO DỤC LÊ ĐÌNH HIẾU: CẦN CHÍNH SÁCH TOÀN DIỆN VỀ HỆ THỐNG DẠY HỌC VÀ ĐÁNH GIÁ CHO VIỆC HỌC TÍCH HỢP
Theo chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), trên thế giới có nhiều mô hình dạy tích hợp được đánh giá rất toàn diện như Chương trình tú tài quốc tế (IB); Mô hình dạy học tích hợp ở bậc phổ thông của Phần Lan; Dự án dạy học tích hợp được sử dụng trong chuẩn giáo khoa của Mỹ hay Mô hình 4 bước của dạy học tích hợp phát triển bởi Đại học Utrecht, Hà Lan.
Ông Hiếu cho biết, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy lợi ích nhất định của việc dạy học tích hợp.
Đối với học sinh, việc dạy tích hợp giúp các em hiểu rõ ngữ cảnh học tập, từ đó, tăng sự tương tác cảm xúc trong việc học và với thế giới xung quanh. Dạy học tích hợp cũng được chứng minh giúp làm tăng những kỹ năng tư duy cao cấp cho học sinh như tư duy phản biện, tư duy logic về mặt khoa học, tư duy giải quyết vấn đề,…; kích thích trí tò mò của học sinh; tăng cường nhận thức của các em về vấn đề xã hội và sự trân trọng trong việc học; tăng cường kỹ năng làm việc hợp tác từ các lĩnh vực khác nhau; làm sâu sắc hiểu biết của học sinh về chủ đề từ các góc nhìn khác nhau.
Đối với giáo viên, theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, trước đây khi dạy đơn môn hoặc trong các lối giáo dục truyền thống, thầy cô trong vai trò là người cung cấp kiến thức nhiều hơn. Khi chuyển sang dạy tích hợp, giáo viên trở thành người điều phối và hỗ trợ quá trình học tập cho học sinh. Thay vì cung cấp thông tin bằng cách đưa ra câu trả lời, thầy cô phải đặt nhiều câu hỏi hơn để điều phối quá trình tìm hiểu thông tin của học sinh.
Ngoài ra, lợi ích quan trọng khác là giáo viên được làm việc và học tập, hợp tác với các chuyên gia cũng như đồng nghiệp. Các chuyên gia ở đây có thể không phải là người làm giáo dục chuyên nghiệp, được đào tạo từ trường lớp sư phạm, nhưng họ là những chuyên gia trong từng lĩnh vực khác nhau. Sự tham gia của họ sẽ giúp phát triển các dự án dạy học tích hợp và đóng góp những góc nhìn từ xã hội, thực tiễn.
Một buổi tập huấn của chuyên gia với giáo viên quận Ba Đình, Hà Nội
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu đưa ra một vài bài học thực tiễn, lời khuyên từ các quốc gia phát triển, đã triển khai dạy học tích hợp rất thường xuyên.
Theo đó, cần chính sách toàn diện về hệ thống dạy học và đánh giá cho việc học tích hợp. “Thầy cô dạy tích hợp, nhưng nếu thi cử, đánh giá vẫn dựa trên đơn môn thì thật ra việc dạy học tích hợp rất khó cho các thầy cô”, ông Hiếu nói.
Về phía các nhà trường cần chuẩn bị tài liệu, thiết bị, công cụ, phương tiện để học sinh thực hiện các dự án học tích hợp; chuẩn bị các cài đặt cho việc tích hợp các mô đun/đơn vị/chủ đề vào chương trình học hợp tác với các lĩnh vực xã hội khác. Trường học cần trở thành một mắt xích của một hệ sinh thái giáo dục lớn, tức là chúng ta không chỉ dạy học trong đúng bối cảnh của nhà trường, mà có thể kết hợp với các lĩnh vực xã hội khác (các đơn vị thư viện, bảo tàng, công viên, doanh nghiệp,…) để triển khai dạy học tích hợp.
Đối với giáo viên, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển chỉ ra rằng, cần một khoá đào tạo giáo dục toàn diện cho giáo viên tương lai về việc dạy học theo chương trình tích hợp. Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa nhà nghiên cứu giáo dục, chuyên gia về các chủ đề và giáo viên trường học để làm việc trên các dự án hoặc chủ đề.
“Những giáo viên dạy học tích hợp tốt là giáo viên có năng lực về hợp tác, tức là họ biết phối hợp không chỉ giữa các giáo viên với nhau mà còn có thể phối hợp với các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đối tác cộng đồng để xây dựng lên những dự án dạy học tích hợp đủ thú vị cho học sinh” - Chuyên gia Lê Đình Hiếu thông tin.
Đối với học sinh, đối với mỗi chủ đề, học sinh cần được thông báo về mục tiêu học tập và hướng dẫn cho kế hoạch học tập (ví dụ, câu hỏi hướng dẫn). Các em cũng cần được dạy các khái niệm chính, kỹ năng cơ bản trong các chủ đề; biết các chiến lược học tập (ví dụ, sử dụng sơ đồ khái niệm, kiến thức về thông tin).
“Việc học tích hợp không còn đơn giản là chỉ cầm đề cương và cầm sách giáo khoa của từng môn để học, mà các em phải bắt đầu sử dụng sơ đồ tư duy, phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tổng hợp thông tin. Đây là một loạt kỹ năng mềm mà học sinh cần được phát triển để học tích hợp tốt hơn”, ông Hiếu nói.
Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với các nhà giáo trên cả nước tổ chức ngày 15.8.2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định, xem xét, có thể điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà giáo góp ý để việc điều chỉnh không gây ra những xáo trộn tiếp theo, không ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ giáo viên và những năng lực của giáo viên đã được chuẩn bị thời gian vừa qua; điều chỉnh để thuận lợi hơn, tốt hơn cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 mà không ảnh hưởng đạt đến mục đích của đổi mới.
Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với các nhà giáo trên cả nước tổ chức ngày 15.8.2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định, xem xét, có thể điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà giáo góp ý để việc điều chỉnh không gây ra những xáo trộn tiếp theo, không ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ giáo viên và những năng lực của giáo viên đã được chuẩn bị thời gian vừa qua; điều chỉnh để thuận lợi hơn, tốt hơn cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 mà không ảnh hưởng đạt đến mục đích của đổi mới.