Nguồn: Bài "Lê Đình Hiếu: 'Cuộc đời đáng sống khi tạo được giá trị cho người khác" được đăng tải trong chuyên mục Nhịp Sống Trẻ, báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2023 (xem chi tiết).
Là gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp lẫn giáo dục trong nước, anh Lê Đình Hiếu (35 tuổi) vẫn luôn khiến nhiều người choáng vì lịch hoạt động dày đặc, bảng thành tích không ngừng nối dài.
Lê Đình Hiếu trong một lần chia sẻ cùng giới trẻ trong nước
Gõ từ khóa "Lê Đình Hiếu" trên Google, có đến 19,6 triệu kết quả được trả về. Và trao đổi với Tuổi Trẻ lần này, anh Lê Đình Hiếu không kể về thành công, thành tích mà là những suy ngẫm về lẽ sống.
Bảng thành tích dày đặc của Lê Đình Hiếu
Lê Đình Hiếu là một 8X gốc Sài thành. Anh tốt nghiệp thủ khoa khối kinh tế trường ĐH danh tiếng UCLA (Hoa Kỳ), sau đó học thêm các chuyên ngành khác. Hiếu là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018, gương mặt Forbes 30 năm 2016 (Việt Nam).
Hiện nay, song song với việc sáng lập, lãnh đạo các tổ chức giáo dục như MAX Education, Học viện GAP và dự án phi lợi nhuận nhằm đem lại cơ hội giáo dục cho cộng đồng người khiếm thính Hear.Us.Now... Hiếu lấy bằng thạc sĩ giáo dục và khởi nghiệp ở ĐH Pennsylvania (Hoa Kỳ), học bổng tu nghiệp về quản lý doanh nghiệp xã hội ở ĐH Stanford (Hoa Kỳ) và hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ).
Bước dài từ nỗi sợ
Luôn xuất hiện đầy tự tin, chững chạc trước đám đông, Hiếu đã có thời gian dài nơm nớp sống trong nỗi sợ, ám ảnh suốt thời gian dài. "Mẹ - người chưa bao giờ học đại học - chính là người thầy và người truyền cảm hứng lớn nhất trong tôi", Hiếu từng chia sẻ.
Nhưng nỗi sợ dai dẳng khiến Hiếu trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cũng đến từ ngày Hiếu và chị gái phát hiện bà bị khiếm thính di truyền ở độ tuổi 30.
"Tuổi 12, nỗi sợ của tôi là nhiều thành viên nhà ngoại bị gene điếc di truyền, liệu mình có giống mọi người không? Khi nhận ra mẹ vẫn sống đầy lạc quan, hạnh phúc và tạo nhiều giá trị, tôi lại sợ bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Sau đó tôi nhận ra mọi người rất bao dung, mở lòng hỗ trợ. Rồi tôi lại ám ảnh lo ước mơ của mình có bị níu lại, tàn rụi không?", Đình Hiếu nhớ lại.
Và anh điên cuồng lao vào học văn hóa, chơi đến 5 loại nhạc cụ (piano, đánh trống, thổi sáo, guitar, saxophone) với suy nghĩ biết đâu ngày nào đó mình không còn được nghe những thanh âm cuộc sống này nữa, không còn khả năng thực hiện hoài bão nữa.
Đến năm Đình Hiếu 18 tuổi, những nỗi sợ bỗng hoàn toàn biến mất. Hiếu đã hiểu được rằng khi có sự cố, chuyện không may xảy ra thì sợ là hiển nhiên, nhưng các vấn đề đều sẽ có giải pháp khi chúng ta can đảm đối mặt và có thế giới quan đủ sâu.
Động lực cuộc đời
"Đề tài tiến sĩ mà tôi đang theo đuổi là chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Tôi muốn tìm hiểu về mức độ sẵn sàng về kỹ thuật số của các thầy cô, các nhà quản trị giáo dục tại Việt Nam.
Ngoài ra, tôi cũng nghiên cứu về việc áp dụng nhiều công nghệ hơn sẽ khiến mức độ hạnh phúc của con người thay đổi như thế nào? Đề tài được cho là rất khó thực hiện, nhưng tôi đã sẵn sàng cho thành công lẫn thất bại", Hiếu khẳng định.
Vài tháng trước, Đình Hiếu đăng một bài viết khá dài trên trang cá nhân, trải lòng sau những khó khăn dồn dập của công việc và cá nhân: "Cuối cùng ngày mai trời lại sáng. Nhìn lại, tôi nhận ra có ba thứ giúp tôi vượt qua. Đầu tiên là tự hào về công việc hiện tại - cái không đem lại cho tôi lương cao hay sự nổi tiếng nhưng cho cảm nhận rõ ý nghĩa lớn về cuộc đời.
Lúc gặp sóng gió, tôi chỉ buồn chứ không mất động lực bởi luôn nghĩ những điều bản thân sắp làm không chỉ là cho mình mà còn cho tổ chức, cộng đồng hoặc những số phận kém may mắn".
Điều thứ hai Hiếu kể đến là mình may mắn khi có một đội ngũ xuất sắc, chân thành luôn bên cạnh. "80% thành công mọi người nhìn thấy ở tôi là do đội ngũ làm nên, chỉ có 20% đến từ chính tôi. Các cộng sự của tôi có thể rất trẻ, còn ít kinh nghiệm nhưng luôn sẵn sàng học hỏi, tận hiến".
Điều cuối cùng chính là sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng. Vẫn có những lúc Đình Hiếu và các cộng sự có những bước đi sai, các bạn lại được những người xung quanh uốn nắn, hướng dẫn để đường đi bớt chệch choạc.
Chia sẻ với các bạn trẻ
"Tôi có niềm tin rất lớn vào đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trẻ của Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể đề nghị họ tập trung sáng chế các công nghệ phục vụ mảng sức khỏe, y tế để có điểm nhấn của mình.
Chúng ta cần tạo một cơ chế linh hoạt để nhân tài có thể tự hào đóng góp cho đất nước. Rất nhiều bạn bè tôi ở nước ngoài đầy tài năng nhưng chưa tìm được cơ hội phù hợp để trở về hoặc cống hiến".
Đình Hiếu mong muốn chia sẻ vài góc nhìn, đúc kết với các bạn trẻ: "Thứ nhất, chúng ta phải xác định rõ với bản thân đâu là điều đáng biết và đáng làm trong cuộc đời, không cần biết tất cả mọi thứ hay "chạy đua" theo bạn bè.
Kế đến, gia đình cần hạn chế gây áp lực đến người trẻ vì biết đâu khái niệm hạnh phúc, thành công của người này lại là nỗi đau của kẻ khác. Điều cuối cùng, giới trẻ cần ý thức vai trò, sự đóng góp của mình cho cộng đồng, nếu không thể tạo ra giá trị tích cực cho hàng triệu người thì đóng góp cho chục người vẫn có ý nghĩa, hoặc tạo ra giá trị cho gia đình hoặc chính mình cũng tốt".
TP.HCM - vùng ký ức lẫn động lực khó quên
Được hỏi về một trải nghiệm khó quên, Đình Hiếu kể câu chuyện những ngày dịch COVID-19. Trong giai đoạn khủng khiếp đó, Hiếu đăng ký đi phát cơm cho người nghèo. "Với tôi, TP.HCM là nhà, là nơi đong đầy sự dịu êm, thân thương, quen thuộc, và đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng TP còn có quá nhiều mảnh đời nghèo khổ đến mức mình chưa từng hình dung được. Lúc đó tôi mới thấm thía câu nói: Sài Gòn hoa lệ. Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo".
Có cơ hội đặt chân đến 20 quốc gia và từng học tập, làm việc thời gian dài ở một số nước và nay thì thêm hiểu, thêm yêu Sài Gòn, Hiếu bảo mình như được tiếp thêm động lực để dấn thân vào những dự án cộng đồng, giáo dục.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ